Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng chừng 20km theo hướng Đông bắc, nơi hòa quyện linh khí đất trời giữa thiên, địa, nhân. Một địa danh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về ba trận thủy chiến chống lại quân xâm lược trong thời kỳ lịch sử nước nhà. Và để tưởng nhớ những công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc đã lập lên những chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng, nhân dân đã xây dựng khu di tích với quy mô bề thế, khang trang như ngày nay.
Vậy khu du tích có gì hấp dẫn mà được đông đảo du khách yêu thích đến vậy? Hãy cùng chúng tôi khám phá “những trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua khi đi du lịch Bạch Đằng Giang” ngay trong bài viết dưới đây để nắm bắt thêm các thông tin hay nhé!
1. Chiêm bái đền thờ, chùa chiền
Đền thờ Vua Lê Đại Hành được xây dựng vào năm 2011 để tưởng nhớ vị vua anh minh, người đã đánh bại quân Tống, bảo vệ biên cương và mang lại hòa bình cho đất nước.
Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một công trình kiến trúc tôn nghiêm và đồ sộ, tôn vinh vị anh hùng kiệt xuất, người đã chỉ huy quân dân Đại Việt ba lần đẩy lùi quân Nguyên Mông, giữ vững độc lập cho dân tộc.
Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền tại Bạch Đằng Giang được xây dựng vào năm 2011 trên diện tích rộng tới 5000m², mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống miền Bắc. Những đường nét chạm khắc rồng phượng tinh xảo cùng không gian uy nghiêm biến nơi đây thành điểm đến ý nghĩa để du khách tưởng nhớ vị vua đã làm nên chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng.
Đền thờ Mẫu trong khu di tích là nơi thể hiện tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, tôn thờ quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở của Mẫu. Ngôi đền thờ các vị như Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn cùng các vị thần khác như Ngũ vị Tôn Ông, Mẫu Sơn Trang, Đức Nam Hải Thần Vương, và Tam Vị Ông Hoàng.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đầu tiên ở Hải Phòng dành riêng để tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đây là nơi để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng biết ơn, thành kính với Người – biểu tượng vĩ đại của ý chí và lòng yêu nước Việt Nam.
Trúc Lâm Tự Tràng Kênh được xây dựng theo mô hình Chùa Đồng tại Yên Tử, là nơi thờ Phật Tổ Như Lai, các vị Bồ Tát, Đạt Ma cùng Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán, cùng cây đa cổ thụ trăm năm tuổi được đưa về từ nhà máy xi măng Hải Phòng cũ, mang đậm ý nghĩa bảo tồn truyền thống.
2. Khám phá quảng trường Bạch Đằng Giang
Quảng trường hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, chào đón xuân Đinh Dậu 2017. Với diện tích lên đến 2000m², quảng trường được xây dựng nổi trên sông Bạch Đằng, lát đá granite vững chãi, như một pháo đài giữa dòng lịch sử. Điểm nhấn của quảng trường là ba bức tượng đồng uy nghiêm của ba vị anh hùng dân tộc, sừng sững hướng về sông Bạch Đằng, gợi lên hình ảnh bất khuất của những con người đã bảo vệ đất nước bằng cả máu và trí tuệ. Không gian rộng lớn và trang nghiêm nơi đây như một bản anh hùng ca bất diệt, gợi nhắc thế hệ hôm nay về những ngày tháng oai hùng chống giặc ngoại xâm.
3. Tìm hiểu về nhà trưng bày và Bảo tàng lịch sử chiến thắng Sông Bạch Đằng
Hành trình đưa du khách quay ngược dòng thời gian, tìm hiểu những dấu ấn vàng son của dân tộc Việt Nam. Nơi đây lưu giữ và trưng những tư liệu, tài liệu lịch sử ghi dấu chiến công hiển hách trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Bảo tàng còn tái hiện sơ đồ diễn biến các trận chiến Bạch Đằng oai hùng, giúp du khách hiểu sâu hơn về chiến thuật tài tình của cha ông. Bên cạnh đó, các hiện vật khảo cổ quý giá như đồ gốm từ thời Lê, Trần hay hình ảnh các vị lãnh tụ đã từng đến thăm, dâng hương, chiêm bái càng làm tăng thêm sự thiêng liêng và giá trị lịch sử.
4. Chiêm ngưỡng Bãi Cọc huyền thoại trên sông Bạch Đằng
Tại bãi cọc huyền thoại, hàng trăm khối trụ cổ lớn nhỏ sừng sững vươn lên trên mặt sông như những chứng nhân bất diệt của lịch sử, gợi nhớ về chiến thắng lẫy lừng của cha ông trước quân xâm lược phương Bắc. Những cọc gỗ cắm sâu dưới lòng sông là biểu tượng của trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết bất khuất của dân tộc ta. Không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn, bãi cọc còn là niềm tự hào, một di sản sống giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu thêm về sức mạnh phi thường của tổ tiên. Khi đứng trước cảnh tượng đầy uy nghi này, mỗi du khách đều cảm nhận được sự thiêng liêng và tràn đầy cảm xúc tự hào dân tộc.
5. Thưởng thức tinh hoa ẩm thực khi đến Bạch Đằng Giang
Các nhà hàng và quán ăn gần khu di tích đều mang đến cho du khách những thực đơn phong phú, hội tụ hương vị truyền thống đặc trưng của vùng biển Hải Phòng. Du khách có thể thưởng thức những món hải sản tươi sống, được chế biến khéo léo như tôm hấp, cua rang me, cá lăng nướng, hay các món ăn dân dã như bánh đa cua, nem cua bể. Điểm đặc biệt của ẩm thực nơi đây còn nằm ở cách bài trí món ăn. Các đầu bếp không chỉ chú trọng vào hương vị mà còn đặc biệt quan tâm đến việc trình bày đẹp mắt, tạo nên những bữa ăn vừa ngon miệng vừa hấp dẫn về mặt thị giác. Chính những điều này đã góp phần làm nên sức hút của ẩm thực Hải Phòng, thu hút đông đảo du khách gần xa tìm đến thưởng thức.
Ngày nay, khi đến khu di tích Bạch Đằng Giang không chỉ gây ấn tướng với biết bao du khách bởi tôn chỉ ba không, không thu bất cứ loại kinh phí nào, không hàng quán, không rác thải. Mà nơi đây còn như một điểm điểm để du khách khám phá dấu ấn lịch sử, những chiến công hiển hách của ông cha ta đã làm lên. Đó chính là lý do nơi đây luôn nổi bật trong hành trình du xuân để du khách tìm đến “những trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua khi đi du lịch Bạch Đằng Giang”. Chúc du khách có chuyến vãn cảnh ý nghĩa và đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp bên cạnh người thân!